Lượt xem: 1015

Nhận thức đúng tính chất cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay để có giải pháp đấu tranh phù hợp

Hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang ra sức phá hoại, xuyên tạc, công kích nền tảng tư tưởng của Đảng ta hòng làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Trước tình hình đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

 


Bảo vệ nền tảng tư tưởng hiện nay xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới - Ảnh minh họa. Nguồn baochinhphu.vn

 

    Chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu không thay đổi của chủ nghĩa tư bản, các thế lực phản động, thù địch. Nếu không vậy thì “nó không còn là nó” nữa. Do đó, phản bác, chống âm mưu, hành động chống phá của kẻ thù, bảo vệ Đảng và nền tảng tư tưởng của Đảng là một tất yếu được Đảng ta đặt ra ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng và trở thành nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng.

    Những năm qua, đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở các ngành, địa phương đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, cơ bản giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn toàn cục, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn những hạn chế: Chưa coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để mọi người cảnh giác, tự “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc trên các trang mạng xã hội cũng như trong dư luận xã hội; công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền miệng chưa theo kịp với sự phát triển của internet và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường; chưa tích cực, chủ động phòng ngừa từ xa, từ sớm để hạn chế những tác động tiêu cực từ các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Một số cấp ủy chưa nhận thức sâu sắc tính chất nguy hiểm của âm mưu, hoạt động chống phá, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch ...

    Hiện nay, các thế lực thù địch, tổ chức phản động chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hết sức quyết liệt, với âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, trắng trợn và tinh vi hơn so với trước đây, nhưng không mấy ai biết được đó là ai, nó ở đâu. Chúng tận dụng tối đa hệ thống phát thanh, báo chí, xuất bản ở nước ngoài, các kênh facebook, youtube... để tung thông tin xấu, độc, vu khống, bịa đặt dưới dạng “thật như giả”, “giả như thật” làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, chệch hướng... Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng những “điểm nóng” trên các lĩnh vực ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo các tôn giáo cũng như lợi dụng những hạn chế, thiếu sót, tiêu cực trong thực hiện một số chủ trương của Nhà nước nhằm xuyên tạc tình hình đất nước; kích động, lôi kéo một số người nhận thức kém, thiếu thông tin, nhẹ dạ, cả tin cùng những phần tử xấu, bất mãn, cơ hội chính trị trong nước câu kết với bọn phản động người Việt ở nước ngoài tiến hành các hành động sai trái, chống đối, thậm chí dùng bạo lực có vũ trang tấn công vào cơ quan công quyền, bắn, giết, bắt cóc cán bộ và nhân dân... từ đó tạo tiếng vang nhằm gây ảnh hưởng, lôi kéo các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước can dự vào công việc nội bộ của nước ta. Mặt khác, chúng tìm cách xâm nhập vào nội bộ các tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp nhằm phân hóa tổ chức để tạo dựng “ngọn cờ”, tập hợp lực lượng. “Ngọn cờ” mà các thế lực thù địch thường hướng tới là những người dân có cuộc sống khó khăn nhưng chây lười lao động; phần tử cơ hội chính trị, bất mãn; cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, bị kỷ luật ở trong tổ chức đảng, hệ thống chính trị các cấp... Đây là những thách thức rất lớn đang đặt ra đối với công tác bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay.

    Trước tình hình trên, dưới góc độ địa phương, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng, Ban Chỉ đạo 35 và Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp quan tâm thực hiện một số việc sau:

    Thứ nhất, phải nhận thức đúng tinh thần Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị là: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có quan hệ biện chứng với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nghĩa là: Trong bảo vệ đã bao hàm đấu tranh và trong đấu tranh phản bác đã hàm chứa yếu tố bảo vệ. Mục đích đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng chính là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tốt hơn. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, đấu tranh là quan trọng, cấp bách, thường xuyên; đấu tranh càng mạnh mẽ thì bảo vệ càng hiệu quả. Hiện nay, cấp ủy, Ban Chỉ đạo 35 một số địa phương chỉ coi trọng, tập trung nguồn lực cho công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mà chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

    Mục tiêu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Vì vậy, điều quan trọng vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền bằng những hình thức phù hợp làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho nền tảng tư tưởng của Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân; từ đó tạo cho mỗi người có thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, có khả năng “tự đề kháng”, “tự miễn dịch” khi tiếp cận các thông tin, họ biết thông tin nào đúng, thông tin nào sai, xuyên tạc. Khi đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, điều quan trọng là vạch trần bản chất phản khoa học, phản cách mạng của chúng, qua đó củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào hệ tư tưởng của Đảng. Nếu không đạt được điều này thì công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của chúng ta sẽ vô ích.

    Để thực hiện có kết quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của các cấp ủy đảng; đặc biệt là phát huy vai trò xung kích của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên của cấp ủy, của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; của báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình, Đài Truyền thanh cấp huyện, trang tin điện tử của các cơ quan... Thực tiễn đã cho chúng ta bài học: Khi tư tưởng đã thông thì hành động sẽ đúng và thống nhất, nhờ đó tạo thành sức mạnh của toàn Đảng và toàn dân hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng.

    Thứ hai, chủ động nắm tình hình, nhất là ở những địa bàn phức tạp, những nơi tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhằm phát hiện sớm hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, âm mưu, hành động chống phá của các phần tử xấu, đối tượng phản động để đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại ý đồ, âm mưu, thủ đoạn của chúng từ nơi xuất phát, không để lây lan. Công tác nắm tình hình trước hết cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Hoạt động bất thường của các đối tượng, phần tử xấu; hiện tượng lén lút tụ tập đông người; cố tình tổ chức các nghi lễ tôn giáo vi phạm quy định... Đồng thời, phát hiện các trang web, blog, zalo, facebook... cá nhân thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch, tuyên truyền xuyên tạc, chống phá chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương để ngăn chặn, xử lý kịp thời; nghiêm trị theo pháp luật các đối tượng cầm đầu, ngoan cố. Cần kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh trực tiếp với đấu tranh trực diện trên không gian mạng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện khác để tăng hiệu quả đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, truyền thông. Duy trì và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân phòng, chống tội phạm” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

    Thứ ba, chủ động nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đảng viên, dư luận xã hội; có biện pháp giải quyết kịp thời, uốn nắn những lệch lạc, sai trái, thiếu gương mẫu của đảng viên, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở duy trì định kỳ tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc nảy sinh tại địa phương.

    Thứ tư, làm tốt công tác quản lý nội bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ nghiêm kỷ luật Đảng, nhất là kỷ luật phát ngôn. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu cao vai trò “nêu gương” về đạo đức, lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Phát hiện sớm và xử lý theo quy định những đảng viên tham gia các hội, nhóm trái quy định của Đảng, Nhà nước hay lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây ảnh hưởng xấu đến nội bộ tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

    Các thế lực phản động, thù địch không bao giờ muốn có một Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, một Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh. Chúng luôn tìm mọi cách, tranh thủ mọi cơ hội, lợi dụng mọi sơ hở, thiếu sót của chúng ta và không từ bỏ thủ đoạn nào để chống phá Đảng nhà nước và công cuộc đổi mới ở nước ta,… Do đó, công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ hàng đầu, vừa cấp bách, trước mắt, vừa cơ bản, thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, linh hoạt phù hợp tình hình thực tiễn mỗi địa phương, cơ quan. Lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với vai trò nòng cốt là lực lượng tuyên giáo các cấp phải kiên trì, kiên định lập trường tư tưởng, ý chí quyết tâm và bản lĩnh chính trị vững vàng, sáng tạo... Có như vậy thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhất định sẽ đạt hiệu quả cao./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 65
  • Hôm nay: 2739
  • Trong tuần: 70,059
  • Tất cả: 11,854,248